Khéo tạo một giàn bầu hồ lô trên ban công hay sân thượng, trước hiên nhà hay ngay trước cổng vừa tạo vẻ đẹp xinh yêu cho không gian sống vừa mang đến nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.
Theo quan niệm của phương Đông, hồ lô mang đến điềm lành, mang may mắn thuận lợi đến cho gia đình nếu như đặt một hoặc nhiều quả khô trong nhà. Bên cạnh đó, hồ lô cũng khá bổ dưỡng và mát lành khi nấu canh hay chế biến các món xào. Bầu hồ lô rất dễ trồng và lớn rất nhanh, khéo chăm sóc sẽ cho ra rất nhiều quả.
Nếu bạn cảm thấy thích thú với những quả hồ lô đẹp xinh, mát mắt trên giàn, hãy cùng chúng tôi trồng và chăm sóc để tổ ấm thêm xinh và thêm xanh.
Chuẩn bị
Hạt giống: Để có được hạt giống tốt, bạn nên mua những túi hạt giống đã qua xử lý chọn giống. Hạt khi mua về sẽ còn nguyên vỏ dày và cứng, rất khó lên mầm. Khi chuẩn bị gieo hạt, bạn nên ngâm chúng vào nước theo tỉ lệ hai sôi ba lạnh trong khoảng thời gian từ 18 - 24 tiếng.
Đất trồng: Bầu là loại cây khá dễ tính, thích hợp với các loại đất nên bạn sẽ dễ dàng mua đất hoặc xin đất ở những công viên, công trường xây dựng. Tuy nhiên, để bầu hồ lô có thể phát triển tốt, sai quả, bạn nên chọn đất sinh học, đã qua xử lý sâu bọ và trộn các chất dinh dưỡng. Trước khi ươm hạt, bạn nên xới đất để đảm bảo đất đủ độ tơi xốp, thông thoáng.
Chậu, bồn, thùng xốp: Bầu có thể trồng khá dễ dàng ở chậu, bồn hoặc thùng xốp.
Bạn chỉ nên ưu tiên loại chậu, bồn hoặc thùng xốp có kích thước lớn để cây bầu lớn nhanh, có nhiều chất dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt nhất.
Giai đoạn gieo trồng
Trước khi trồng vào chậu, bồn hay thùng xốp, bạn nên gieo hạt ở một chậu bé hơn. Bởi kích thước chậu hạn chế sẽ giúp hạt bầu đảm bảo được độ ẩm và độ ấm trong thời gian chuẩn bị nảy mầm.
Sau khi làm đất tơi xốp, bạn chia rãnh và đặt hạt bầu xuống đất và lấp một lớp đất mỏng khoảng 2 đến 3cm lên trên giúp cây dễ nảy mầm hơn. Trong thời gian gieo hạt, bạn nên đặt cây ở bóng râm để tránh mưa gió, đảm bảo đủ lượng nước và độ ẩm cho hạt hàng ngày.
Nếu chăm sóc tốt, hạt sẽ nảy mầm sau 5 đến 8 ngày gieo hạt. Tùy vào thời tiết cây sẽ phát triển nhanh hay chậm.
Lưu ý, khi cây nảy mầm bạn nên đặt cây ra ngoài, nơi có nhiều ánh nắng để cây quen dần với thời tiết. Khi cây cứng cáp hơn sẽ tách sang chậu cỡ lớn. Một chậu chỉ nên trồng 1 đến 2 cây để đảm bảo dinh dưỡng cho cây phát triển tốt nhất.
Giai đoạn chăm sóc
Ở những nhà phố, đô thị, do hạn chế về diện tích nên cây thường được trồng trong chậu, thùng xốp... Tuy nhiên, với giống bầu hồ lô, bạn nên đặt chậu hay thùng xốp ở những nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên nhất, để cây có thể tiếp nhận ánh nắng khoảng 6 giờ mỗi ngày.
Để giúp cây phát triển nhanh, bạn có thể bón phân đạm urê để cung cấp thêm chất dinh dưỡng.
Bạn có thể hòa tan 1 lượng đạm vừa phải vào nước và tưới cho cây từ 200 - 500ml tùy theo tình trạng của đất. Ngoài việc tưới đạm, bạn vẫn cần tưới nước ngày hai lần đảm bảo cho cây phát triển bình thường.
Khi cây bắt đầu lên tua cuốn, bạn cần chuẩn bị cọc để cây leo dần.
Trước khi cho cây bầu hồ lô leo cọc, để cây mọc quanh gốc để đảm bảo gốc được bảo vệ tốt nhất, tránh bị dập gẫy do tác động của thời tiết. Bạn nên chú ý cắt bỏ tất cả các nhánh mọc quanh gốc giúp gốc cây thông thoáng. Không nên ngắt ngọn bầu giúp cây nhanh lớn, tránh việc cây bị chột, chậm phát triển.
Nếu tạo giàn, bạn nên thường xuyên điều chỉnh hướng của ngọn cây sao cho cây phát triển khắp giàn, giúp lá quang hợp tốt, nhánh khỏe.
Khi cây có hoa, bạn nên tiếp tục bón thúc với lân, đạm, kali theo tỉ lệ 3:1:1 giúp hoa nhanh đậu quả.
Lưu ý nên thường xuyên cắt tỉa lá vàng, lá già, lá sâu để cây tập trung dưỡng chất nuôi quả.
Cây chăm bón tốt sẽ cho thu hoạch quả sau 3 - 5 tháng trồng.
Thu hoạch
Bầu hồ lô non còn lông tơ, bạn có thể hái xuống để chế biến nhiều món ăn hợp khẩu vị với cả nhà.
Với bầu già, bạn có thể sử dụng làm vật trang trí trong nhà.
Nhiều người dùng quả bầu hồ lô già làm hũ đựng rượu, gia vị... rất tiện dụng.
Lục Bảo
Ảnh: Tổng hợp